Trong khoảng ngày 05 đến 10 tháng 11 năm 1942 tại nhà giam Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã viết 18 bài thơ trong đó có các bài “Cảnh binh khiêng lợn cùng đi”, “Hoàng hôn”, “Nhớ bạn”, Ghẻ lở”… Bài thơ cuối cùng trong nhà ngục này viết bằng chữ Hán theo lối tứ tuyệt - bốn câu, mỗi câu bảy chữ. Bản dịch trong “Hồ Chí Minh, toàn tập”, tập 3 dịch là:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời, người cũng vậy.

Gian nan rèn luyện mới thành công.”

Ngày 14 tháng 9 năm 1940, tại Côn Minh, Hồ Quang (một mật danh của Bác Hồ) đã viết tặng một thanh niên Trung Quốc là Phương Sĩ Tân một dòng chữ tiếng Hán và tiếng Anh là: “Hữu chí cánh thành” (Có chí thì nên).

10 năm sau, năm 1950, Bác Hồ đã tặng một đội thanh niên xung phong mấy câu thơ nhắn gửi:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Có chí ắt làm nên…”

Thực ra Bác Hồ viết và dặn thanh niên nhiều lần, trong những lần viết báo, nói chuyện. Những bài thơ trên đây có thể là tiêu biểu hơn cả.

Bác Hồ qua thực tiễn của bản thân, nhất là trong độ tuổi thanh niên đã nhận biết đáp số cho việc lớn của mình là “rèn luyện ý chí”.

Dưới thời Pháp thuộc, nếu thanh niên không có ý chí, không chịu rèn luyện thì sẽ là tay sai của kẻ áp bức dân tộc, cộng tác với chúng hoặc “đóng cửa trùm chăn”, vô trách nhiệm, mặc dầu Tổ quốc bị nô lệ. Muốn thành công, muốn được như hạt gạo “trắng tựa bông” phải rèn luyện ý chí, ngẩng đầu lên, không chịu nhục vong quốc nô, tham gia cứu nước, dù biết rằng con đường cách mạng là tù đày, khổ ải, có khi phải hy sinh cả tính mệnh.

Khi đất nước bị xâm lược, thiếu ý chí rèn luyện, tránh việc nặng, lẩn trốn chiến đấu, nhận một danh từ “B quay” (tức đào ngũ), sợ khó khăn, gian khổ thì làm thế nào tránh khỏi tòa án công luận xét xử là phường giá áo, túi cơm!

Ngày nay khi các bậc tiền bối cách mạng, ông cha đã chiến đấu hy sinh đưa giang sơn đất nước về một mối, dân tộc đã tự do, nước nhà đã độc lập, xâm lược không còn, chiến tranh đã tắt, vậy rèn luyện ý chí của thanh niên phải chăng không còn nữa? Phải chăng những lời dạy của Bác Hồ đã không còn phù hợp?

Không ai dám nói như vậy. Nhưng xem trong sinh hoạt, học tập, lao động của một bộ phận thanh niên thì có thể thấy là họ có sao lãng.

Thanh niên là rường cột của nước nhà, là người chủ tương lai của Tổ quốc. “Tương lai” chỉ là 10 hay 15 năm nữa thôi, khi mà lớp người Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sẽ đi theo Bác Hồ, họ - những con người sinh ra sau chiến tranh từ 1975 sẽ “trấn ngự” non sông này.

Liệu họ có thể làm được hai việc lớn là - giữ nền độc lập của Tổ quốc và làm cho dân giàu, nước mạnh không? Chúng ta tin rằng họ sẽ làm được. Tin có cơ sở, tin vào truyền thống ông cha ta, tin vào sự giáo dục của gia đình họ, của xã hội ta. Nhưng tin không có nghĩa là “há miệng chờ sung” một cách thụ động mà phải tích cực, chủ động rèn luyện để đạt được mục đích mà tổ tiên, cha ông, đời này, đời sau mong đợi.

Chúng ta vui mừng thấy thanh niên hiện nay năng động, nắm bắt nhanh những cái mới, có tri thức nhưng chúng ta không phải lo nghĩ tới một bộ phận thanh niên chưa theo kịp với yêu cầu của tương lai đất nước.

Có thể nêu lên vài trường hợp:

Một bộ phận thanh niên ở vùng sâu, vùng cao và ngay cả trong vùng đồng bằng do nhiều nguyên nhân nên thiếu điều kiện hoạt động đành bó tay, chịu trời, mặc số phận. Tất nhiên có việc “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (người mưu việc làm nhưng trời lại quyết định sự thành công) nhưng vẫn có câu “Nhân định thắng thiên” (người thắng cả trời). Họ chờ đợi sự giúp đỡ, chờ đợi sự ban ơn, làm việc thiện thực chất là “bố thí” trong khi họ có đầy đủ chân tay, trí óc và quý báu nhất là bầu máu nóng thanh niên. Không bàn đến việc nhà nước, cơ quan, đoàn thể giúp đỡ, chi viện, bản thân họ phải nhận lấy sứ mệnh, nhận lấy câu dạy của Bác Hồ “phải lấy sức ta giải phóng cho ta”, “phải tự lực tự cường”, nghĩa là phải có ý chí vươn lên, mà vươn lên không phải dễ dàng như là dạo mát trong công viên - con đường vươn lên bao giờ cũng gai góc, không có rải hoa… Mặc dù “không có con đường nào đi đến thành công mà lại không có gian khổ” - nếu có một con đường êm ái, dễ dàng thì sự thành công, vinh quang đó có lẽ cũng không đáng giá gì. Như vậy họ cần có sự rèn luyện về ý chí.

Một bộ phận khác có điều kiện hơn, có bố mẹ “ăn nên làm ra”, quyền cao chức trọng, trường gần nhà, sách đầy tủ nhưng lại vẫn thiếu rèn luyện ý chí. Họ không cưỡng được những cuộc đua xe, những “phi vụ” xem phim xấu, để lại những bài vở chưa làm, bằng thì mua, thi thì quay cóp. Họ coi hưởng thụ là trên hết, tiền là “tối thượng”, không cần trau dồi kiến thức, phó tiến sĩ thì “phun thuốc sâu”, phó giáo sư thì “phá gia sản”... Khẩu hiệu của họ là “học từ từ, chơi lu bù, ăn tới số”. Một số thanh niên chưa có công ăn việc làm thì “quậy”. Số có việc làm rồi không nhiều lắm không “dám” chịu khó đi học thêm, học thêm văn hóa, học thêm ngoại ngữ, học thêm chuyên gia, mà tệ hại hơn là lao vào cờ bạc, hút sách. Số này thiếu rèn luyện ý chí. Không trụ vững được trước sự cám dỗ trong cuộc chiến đấu với chủ nghĩa thực dụng hàng ngày, thật ra là cuộc chiến đấu vì bản thân mình. Những người này - tuy không đông lắm nhưng cũng không phải chỉ đếm được trên đầu ngón tay làm sao có thể “đào núi văn hóa, lấp bể ngu đần” cho đất nước. Họ đâu có chịu được “bao đau đớn” nên chẳng bao giờ “hạt gạo trắng tựa bông” cho mình, cho người thân trong gia đình, bố mẹ con cái, cho Tổ quốc, cho đồng bào. Có tài năng mà không có ý chí thì thế nào việc làm cũng không kết quả. Có chí mà tài ít thì cái chí sẽ “đưa” cái tài lên. Chí là đầu não. Rèn luyện chí tức là rèn luyện sức mạnh của tâm hồn, của trí tuệ. Ý chí không ai cho mà phải tự mình giành lấy.

Hy vọng rằng những điều nói trên đây đều là sai sự thật, là không có, hoặc có rất ít. Được như vậy là hồng phúc cho đất nước ta. Được như vậy thực là không có gì cao quý, trọng đại hơn trên nén hương, mâm quả dâng lên Bác Hồ nhân dịp ngày sinh của Người và cho tất cả những năm kỷ niệm sau này, năm chẵn, năm lẻ của thế kỷ này, thế kỷ nối tiếp sau đối với thanh niên, con cháu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.

Các câu chuyện về Bác khác
Năm 1965, sau chuyến sang thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Côxưghin, Liên Xô đã cử Thượng tướng Culicốp chỉ đạo việc...
Có một cán bộ ngoài tám mươi tuổi nói chuyện với thanh niên, bà con thôn xóm thường mở đầu bằng hai chữ “ngày xưa”. Bọn trẻ tặng cụ danh...
Bước sang thế kỷ mới, một nhóm cán bộ “lão” và “thành” cách mạng gặp gỡ nhau, vui chuyện thế sự, cuộc đời. Trong họ có người huân...
Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đều cho rằng Bác Hồ đã đọc “Kinh dịch” - một cuốn sách cổ Trung Quốc bởi vì Bác cũng đã viết, đã...
Sinh thời Bác rất ghét cái việc “đúc tượng Bác”, xây dựng nhà lưu niệm Hồ Chí Minh... Bác cũng để lại di chúc dặn nên làm thế này, không...
Trong một cuốn sách của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết “Bác Hồ là một lữ hành cô đơn”. “Cô đơn” không chỉ vì Bác một thân...
Ta thường được huấn luyện rằng “vấn đề đầu tiên là đường lối”. Rất đúng. Như hai cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, như các anh hùng “Bình...
Có người kể rằng lần nào đó trả lời câu hỏi về cờ Tổ quốc Việt Nam mang ý nghĩa gì, Bác có nói: - Màu vàng là màu dân tộc da vàng,...
Bước vào năm 1969, Bác như đã biết rõ số mệnh của mình, thời vận của đất nước. Ngày 26 tháng 01 năm ấy, tức là vào ngày chủ nhật mồng...
Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta từ các cụ phụ lão, phụ nữ, thiếu niên nhi đồng, các tăng ni, phật tử, đồng bào theo các tôn giáo thường...
Thông thường con cái chưa đến tuổi 18, nếu mắc sai lầm hoặc phạm tội, pháp luật buộc cha mẹ chịu trách nhiệm thay cho con. Việt Nam ta có câu “Con...
Sau khi nhân dân ta tổng khởi nghĩa, giành được chính quyền, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi “chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”....
Trang 2 3 4 5 6