Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đều cho rằng Bác Hồ đã đọc “Kinh dịch” - một cuốn sách cổ Trung Quốc bởi vì Bác cũng đã viết, đã nói nhiều điều liên quan đến “Kinh dịch”.
Trong “Kinh dịch” có quẻ “Thuẫn Càn”. Quẻ này có đoạn giải thích: “Cương kiện đến cùng rồi, như con rồng bay lên cao quá, không xuống được nữa, nếu vẫn còn hành động thì sẽ có điều đáng tiếc, vì lẽ thịnh quá thì tất suy, đầy thì không giữ được lâu”.
Lần sang Pháp năm 1946, đến thăm mộ Napolêông, Bác có viết trong tập “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch bốn tháng sang Pháp” (cuốn sách được viết từ năm 1946 mà mãi gần năm mươi năm sau mới xác định được là của Bác) một đoạn về ông này như sau:
“Napôlêông là một vị tướng có đại tài, đánh đâu thắng đó. Từ địa vị một người quân nhân thường, làm đến tổng thống. Từ tổng thống nhảy lên làm hoàng đế. Làm hoàng đế cũng chưa đủ, còn muốn làm chúa cả thế giới. Các nước hợp sức lại đánh. Kết quả ông Na bị thua. Thua một trận thì tan tành hết cả. Bị các nước bắt giam ở đảo Xanh Hêlen, cách mấy năm thì chết tại đảo... Nếu ông Na mà biết dè dặt, không tham muốn quá, thì chắc nước Pháp lúc đó không đến nỗi vì chiến tranh mà chết người, hại của... Nhưng ông Na đã làm con giời, lại muốn làm cả giời, kết quả bị thất bại”(1)…
Xưa nay đã có nhiều người vì không “tri túc” (chừng mực) mà thất bại. Thế mà người sau vẫn không biết nhớ những kinh nghiệm đời xưa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong nhiều người được ở bên cạnh Bác lâu, đã viết trong sách “Chiến đấu giữa vòng vây”: “Ở Bác là sự chừng mực trong lời nói, việc làm. Không khi nào quá vui. Buồn lo ít để lộ trên nét mặt. Trong cái vẻ bình dị của Bác chứa đựng một sự tiềm ẩn sâu lắng”.
Thật ra để biết “dè dặt”, “chừng mực”, biết đủ, biết dừng không phải dễ. Muốn biết dừng phải có yên tĩnh, yên tĩnh sau đó mới an tâm. An tâm sau đó mới có thể xác định. Xác định được nên mới có thể lo lắng công việc, lo lắng công việc mới có được kết quả. Khái niệm “biết dừng” này xuất phát từ sách “Đại học” của Nho giáo Trung Quốc. “Biết dừng” ở Bác còn thể hiện không bao giờ ngay một lúc làm những mục tiêu lớn quá. Theo Bác, mục tiêu một, kế hoạch mười, quyết tâm hai mươi”. “Làm được một kết quả cụ thể còn hơn trăm lần nói suông”.
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam cũng có lúc, nơi này, cán bộ nọ không biết “tri túc”, nhưng muốn “ăn tươi nuốt sống” nên đã đi đến thất bại. Trong đời sống xã hội cũng có người lòng tham không đáy, tham ăn, tham tiền, tham danh vọng, tham quan chức nên “leo cao quá tất ngã đau!” mà không biết dừng lại, hạ cánh, rút lui đúng lúc, để vẹn tròn danh tiết...
Tuy biết dừng là khó. Nhưng không phải người ta không thể nhớ những kinh nghiệm thời xưa. Rõ ràng là có thể nhớ, có thể học, có thể rèn luyện để đạt tới biết dừng.
(1) Xem trong tập Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nhà xuất bản Hà Nội, H, 1995.
Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.










