Bước vào năm 1969, Bác như đã biết rõ số mệnh của mình, thời vận của đất nước. Ngày 26 tháng 01 năm ấy, tức là vào ngày chủ nhật mồng 9 tháng Chạp năm Mậu Thân, sau khi đi kiểm tra sức khỏe, Bác giao cho Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng chuẩn bị thành văn một bài báo theo gợi ý nội dung của Bác để kịp đăng vào ngày thành lập Đảng 03 tháng 02, nghĩa là sau đó 7 ngày. Bài viết có tựa đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác dành cả buổi sáng đọc bài viết, sửa chữa và đặt lại đầu đề bài là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Bác cho đánh máy gửi mỗi đồng chí trong Bộ Chính trị để “góp ý kiến”. Xét về một mặt nào đấy việc góp ý kiến này có thể coi như là Bác gián tiếp giáo dục, răn dạy, động viên người được góp ý. Khi các bản “góp ý kiến” đã đủ, Bác lấy bản của đồng chí Trường Chinh góp ý làm trung tâm, bổ sung các ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị khác, hoàn chỉnh bản mới gửi đi đánh máy lại.

Chiều ngày 30 tháng 01, tức ngày 13 tháng Chạp, Bác mời đồng chí Tố Hữu hai giờ sang làm việc(2). Đồng chí Tố Hữu cầm một bản đọc. Bác dò theo văn bản, soát lại lần cuối.

Đọc xong, nhà thơ Tố Hữu nói:

- Thưa Bác, so với bản chúng tôi gửi sang Bác sửa lại gần hết.

Bác cười nhẹ nhàng:

- Bác có sửa, nhưng các ý chính trong bài viết có sửa đâu!

Đồng chí Tố Hữu trình bày thêm một ý kiến:

- Thưa Bác, xin phép Bác đổi lại đầu đề bài viết, đưa vế “Nâng cao đạo đức” lên trước, để vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” xuống sau. Cán bộ Đảng ta nói chung là tốt, chỉ có một số thoái hóa, biến chất. Bác đặt đầu đề như cũ thì “mạnh” quá.

Bác quay sang đồng chí Vũ Kỳ:

- Ý chú thế nào?

Đồng chí Vũ Kỳ thưa Bác là đồng ý với ý kiến của đồng chí Tố Hữu.

(1) Kỷ niệm bài báo cuối cùng của Bác, kỷ niệm thành lập Đảng.

(2) “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử”, tập 10, tr. 293.

 

Bác ngồi yên một lát, rồi nói:

- Bác hỏi các chú điều này: Các chú tiết kiệm mua được một bộ bàn ghế, giường tủ mới. Trước khi khiêng vào phòng, các chú có đưa đồ cũ ra, có quét sạch sẽ không hay là cứ để rác rưởi, bẩn thỉu thế kê đồ mới vào? Các chú nói có lý nhưng không hợp lý.

Hai vị cán bộ lúng túng, chưa tìm ra được câu trả lời (thực ra cũng khó trả lời, mà Bác cũng không chờ có câu trả lời).

Bác nói tiếp:

- Vì các chú đa số nên Bác phải nhượng bộ. Đổi được đầu đề bài viết, nhưng trong bài dứt khoát phải để nguyên ý của Bác là “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Bước sang ngày rằm tháng Chạp, bài viết đến báo Nhân dân. Ngày 03 tháng 02 năm 1969 - trước tiết Lập xuân một ngày, bài viết ký tên T.L của Bác đã đăng trên trang nhất báo Nhân dân, số 5409.

Sau khi biểu dương “những đảng viên trung kiên, gương mẫu làm nên những thành tích vẻ vang trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt”, Bác nghiêm khắc phê bình một số đảng viên thoái hóa biến chất. Bác viết: “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Bác dặn: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”.

Đến năm 1966 ấy, lại giáp tết, chắc có không ít cán bộ, đảng viên không đọc, không đọc hết “tinh ý” và hiểu được tại sao nội dung trên đề tựa bài báo lại khác những ý trong bài.

Nhiều năm sau ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975, dần dần chúng ta mới có những thông tin về bài viết ấy của Bác, bài viết chỉ còn 7 ngày nữa là Bác đi xa, bài viết được coi như một di chúc cùng với bản “Di chúc” của Bác hoàn thành lần cuối(1), một di chúc tập thể, tập trung vào vấn đề cốt tử, trước hết, cơ bản: Vấn đề con người, nhất là con người ấy là đảng viên, cán bộ.

Một nhà nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Hai mệnh đề của bài báo Bác viết đăng ngày 03 tháng 02 năm 1969 cũng giống như câu Bác dặn lại: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Phải chăng vì đa số chúng ta không thấy hết mức nghiêm trọng của vấn đề “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nên Bác phải nhượng bộ đa số? Phải chăng vì không dám “mạnh” nên việc chống tham ô, tham nhũng, chống chủ nghĩa cá nhân còn yếu? Không nên nói quá nhiều, kêu gọi nhiều, nghị quyết nhiều mà kết quả thực tế còn quá ít! Nếu chúng ta nhận thức sâu sắc vấn đề phải “quét sạch rác rưởi, bẩn thỉu trước khi mang bàn ghế, giường tủ mới vào nhà”, có lẽ tình hình không đến như ngày nay, kể cả ngày mai! Một cán bộ có chức cao lại đề nghị: Nếu đúng như vậy (sao lại không đúng) thì nên đổi lại trong “Hồ Chí Minh, toàn tập” rằng “đầu đề chính thức của Bác đặt cho bài viết là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”? Chừng nào chưa “quét sạch” thì không thể “nâng cao” được. Không quét sạch được có khi còn bị hạ thấp, bị mất đi.

(1) Bác viết di chúc lần đầu vào ngày 15/5/1965, bản cuối cùng hoàn thành vào ngày 19/5/1969.

Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.

Các câu chuyện về Bác khác
Ngày 26 tháng 6 năm 1946, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khoá 1 tiến hành khai giảng trọng thể theo đúng nghi thức quân sự chính quy. Đoàn quân nhạc...
Sau ngày 06 tháng 3 năm 1946, tôi đang chiến đấu ở vùng ven thành phố Sài Gòn thì được giao nhiệm vụ về Mỹ Tho, Tân An quy tụ các đồng chí, tập...
Ngày 09 tháng 12 năm 1961, Bác Hồ có cuộc gặp với cán bộ, đảng viên lão thành cách mạng hai tỉnh “đỏ” Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là những đảng...
Năm 1962, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc.  Bác Hồ...
Mấy năm gần đây, Chính phủ đã chỉ thị cho các cơ quan dù mới thành lập cũng không được xây hội trường. Thật là chí lý. Vì nhiều vụ, hội,...
Anh Việt Phương có kể câu chuyện về một cháu bé con một đồng chí cán bộ Trung ương. Đồng chí ấy đưa con vào cơ quan, rồi vì công tác, buổi...
Hồ Chí Minh cho rằng “muốn làm bạn phải hiểu nhau”. Nếu “không hiểu nhau không thành bạn”. Tất cả công việc “làm bạn” là để cùng...
Tháng 02 năm 1948, chừng ít ngày sau tết Nguyên đán, tôi lại được gặp Bác Hồ. Lúc này tôi đã chuyển sang làm sĩ quan ở Cục Tuyên huấn quân đội,...
Tháng 12 năm 1994, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trên đất...
Ngay sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, Bác Hồ đã vận động “diệt giặc dốt”. Bao nhiêu lớp “bình dân” đã được mở, vợ dạy...
“Lập” tiếng Hán có nhiều nghĩa. Là “đứng thẳng” như “lập nghiêm”, là “đặt” như “thành lập”, là “tức thì” như “lập tức”......
Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khu nhà cao tầng cũ, mới được mang tên là khu tập thể, chung cư, cư xá. Trong khu dân cư này có rất...
Trang 1 2 3 4 5