Ngày 18 tháng 01 năm 1949, tức là ngày 20 tháng chạp năm Mậu Tý, Hồ Chủ tịch dự lễ bế mạc và nói chuyện với thành viên Hội nghị cán bộ Đảng lần thứ 6. Tại hội nghị này, các đại biểu đã nghe và thảo luận báo cáo của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng và các báo cáo chuyên đề về quân sự, chính quyền, mặt trận, công tác Đảng. Hội nghị đã thông qua nhiều nghị quyết về các mặt công tác, trong đó công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, dự kiến sẽ họp vào 2 năm sau, đầu năm 1951. Tin tức chiến thắng ở Hòa Bình, khu Bảy, Vĩnh Long, Bến Tre, cuộc tiến công như chẻ tre của Giải phóng quân Trung Quốc làm cho các đại biểu vừa vui mừng, tin tưởng, vừa thấy thêm trách nhiệm nặng nề với dân với nước.

Trong buổi nói chuyện hôm ấy, Bác hoan nghênh “Hội nghị có đủ đại biểu Trung, Nam, Bắc về dự, đó là điểm tốt”. Bác đề cập tới nhiều vấn đề nhưng đa số đại biểu có mặt hôm ấy, cho đến mấy chục năm sau vẫn ghi nhớ nhất hai điểm:

Bác nói: “Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng”. Từ đó đại biểu suy ra: “Đèn yếu, mờ là do máy (Đảng) không đủ mạnh. Công việc có khi không hoàn thành như đèn tắt vì máy không phát nữa! Do đó, phải củng cố máy phát điện, tức là củng cố Đảng”.

Ý kiến thứ hai mà các đại biểu rất “sợ” khi nghe Bác nói: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được yêu mến... Muốn làm cách mạng phải cải cách tính nết mình trước tiên. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”.

Một số cán bộ làm kinh tế rất thấm thía câu Bác dạy: “Làm ra nhiều, chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng. Đó là tất cả chính sách kinh tế, tài chính của ta”.

Mấy ngày sau, đến thăm anh em ở Văn phòng Phủ Chủ tịch đúng lúc “quân ta” đang bàn “ăn tết”.

Ngày 27 tết, vào thứ ba ngày 25 tháng 01 năm 1949, Hội đồng Chính phủ họp phiên cuối cùng trong năm con chuột, bắt đầu từ lúc một giờ chiều. Hồ Chủ tịch báo cáo tình hình thế giới và các biến chuyển lớn trong năm 1948. Tối, có lễ truy điệu đức cha Hồ Ngọc Cẩn - Cố vấn Chính phủ. Hôm sau, tiếp tục họp. Các Bộ trưởng lần lượt báo cáo công việc trong năm và đề ra những điểm lớn hoạt động trong năm tới. Tối hôm ấy có bữa tiệc nhỏ chào mừng các đại biểu Nam bộ, đồng thời cũng là bữa “ăn tết” của Hội đồng Chính phủ. Bác Hồ tham dự tiệc và lửa trại, nhiều trò vui lắm. Bác và các trại viên cười “chảy nước mắt”. Chính trong đêm lửa trại này, bác sĩ Trần Duy Hưng “bày ra cái trò” công kênh Bác Hồ, giả như Bác đi máy bay ù... ù...

Giao thừa, 30 tết vào ngày 28 tháng 01, Bác đến thăm và chúc tết cán bộ, nhân viên Văn phòng Phủ Chủ tịch.

Đêm ấy, Bác ngủ tại lán của Văn phòng.

Sáng mồng một, Bác chúc tết anh em, nói chuyện tình hình trong nước và thế giới.

Chiều Bác trở về “nhà”, đón các đồng chí Lê Văn Hiến, Trần Duy Hưng... đến chúc tết, đãi các vị khách một bữa cơm “thập cẩm”. Tối đến, đốt lửa trại, anh em lại diễn kịch, hát các bài hát vui, bài hát kháng chiến.

Nhân dịp đón xuân mới, Bác “khai bút” viết thơ chúc tết:

“Kháng chiến lại thêm một năm mới,

Thi đua ái quốc thêm tiến tới

Động viên lực lượng và tinh thần

Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi”.

“Người người thi đua

Ngành ngành thi đua

Ngày ngày thi đua

Ta nhất định thắng

Địch nhất định thua”.

Trong không khí đón tết vui vẻ ở chiến khu, Hồ Chủ tịch không quên đồng bào cả nước, nhất là đồng bào trong vùng bị tạm chiếm. Người gửi thư chúc tết và cảm thông sâu sắc trước cảnh các giới đồng bào “phải riêng chịu sự lạnh lùng, nhục nhã, cơ cực, tủi buồn dưới gót sắt lũ quỷ thực dân tàn bạo”. Với các cháu nhi đồng cả nước, Bác Hồ khen các cháu “vừa qua có nhiều tiến bộ, nhiều cháu đã lập chiến công được thưởng huân chương, hàng ngàn cháu hăng hái giúp việc cho bộ đội và cơ quan... sốt sắng tham gia thi đua ái quốc, xứng đáng là dòng dõi Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản, xứng đáng là nhi đồng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bác thông cảm với các cháu “Tết này, có lẽ các cháu không có bánh chưng con, áo mới và pháo. Nhưng các cháu vẫn vui. Vui vì các cháu tiết kiệm bánh chưng con, áo đẹp để giúp các chiến sĩ”.

Mồng 2 tết có tin quân Pháp đưa 10 máy bay Đacôta nhảy dù xuống Bắc Ninh, Bác được báo trong khi đồng chí cấp dưỡng mời Bác và Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến “nếm” thử phở do đồng chí sáng tác “có được” không?

Những ngày cuối năm ấy, Bác đã hoàn thành bài viết “Đảng ta” để “tặng các đồng chí cán bộ” (Bài này đã được đăng trên tập san Sinh hoạt nội bộ số 13 ra đầu năm 1949, Ban Chấp hành tỉnh bộ Hà Đông in thành sách vào năm 1950).

Trong bài, với tên ký là Trần Thắng Lợi, Hồ Chủ tịch viết: “Cuối năm 1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng... Sau cuộc bàn sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.

Thế là Đảng ta chân chính thành lập,

Đó là ngày lịch sử mồng 6 tháng 01 năm 1930”(1)

Phần cuối bài viết, Bác căn dặn: “Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh đó...”, “phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình... cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nữa”.

Mồng 4 tết là thứ ba, ngày 01 tháng 02 năm 1949, Văn phòng báo cáo với Bác đề nghị Bác ký các sắc lệnh bổ nhiệm một số cán bộ cho Bộ Quốc phòng và Sắc lệnh số 02/SL thành lập Trường Cao đẳng kỹ thuật chuyên môn cho các ngành Công chính, Hỏa xa, Bưu điện, Khoáng chất, Kiến trúc, Địa chính...

Bác đặt tay trái lên trán một lát, rồi cầm bút ký...

(1) Nay, theo Nghị quyết của Đảng, đã lấy ngày 03/02/1930 làm ngày thành lập Đảng.

Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.

Các câu chuyện về Bác khác
Ngày 26 tháng 6 năm 1946, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khoá 1 tiến hành khai giảng trọng thể theo đúng nghi thức quân sự chính quy. Đoàn quân nhạc...
Sau ngày 06 tháng 3 năm 1946, tôi đang chiến đấu ở vùng ven thành phố Sài Gòn thì được giao nhiệm vụ về Mỹ Tho, Tân An quy tụ các đồng chí, tập...
Ngày 09 tháng 12 năm 1961, Bác Hồ có cuộc gặp với cán bộ, đảng viên lão thành cách mạng hai tỉnh “đỏ” Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là những đảng...
Năm 1962, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc.  Bác Hồ...
Mấy năm gần đây, Chính phủ đã chỉ thị cho các cơ quan dù mới thành lập cũng không được xây hội trường. Thật là chí lý. Vì nhiều vụ, hội,...
Anh Việt Phương có kể câu chuyện về một cháu bé con một đồng chí cán bộ Trung ương. Đồng chí ấy đưa con vào cơ quan, rồi vì công tác, buổi...
Hồ Chí Minh cho rằng “muốn làm bạn phải hiểu nhau”. Nếu “không hiểu nhau không thành bạn”. Tất cả công việc “làm bạn” là để cùng...
Tháng 02 năm 1948, chừng ít ngày sau tết Nguyên đán, tôi lại được gặp Bác Hồ. Lúc này tôi đã chuyển sang làm sĩ quan ở Cục Tuyên huấn quân đội,...
Tháng 12 năm 1994, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trên đất...
Ngay sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, Bác Hồ đã vận động “diệt giặc dốt”. Bao nhiêu lớp “bình dân” đã được mở, vợ dạy...
“Lập” tiếng Hán có nhiều nghĩa. Là “đứng thẳng” như “lập nghiêm”, là “đặt” như “thành lập”, là “tức thì” như “lập tức”......
Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khu nhà cao tầng cũ, mới được mang tên là khu tập thể, chung cư, cư xá. Trong khu dân cư này có rất...
Trang 1 2 3 4 5