Nhân gặp một anh Chủ tịch Ủy ban nhân dân làng, tôi có hỏi cảm tưởng của anh về bức thư của Cụ Hồ gửi cho các ủy ban nhân dân mới đây. Anh lắc đầu, rầu rầu đáp:
- Tôi hối hận, hối hận lắm lắm!
Tôi yêu cầu anh nói rõ vì sao. Anh nhìn tôi, nét mặt trở nên đau đớn:
- Nước ta đã khổ lắm rồi. 80 năm bị giặc Pháp đô hộ, chúng hành hạ đồng bào, chúng đục khoét nước ta, chúng làm cho ta tắc thở, kiệt quệ, sống dở chết dở, nhục hơn chó, lợn. Ngày nay ta đã giành được độc lập, nhưng chúng còn để lại cho ta bao nhiêu tai ương. Nạn lụt vừa rồi, nghĩ đến cái đói sắp tới, tôi lo lắm.
Nói tới đây, anh nghẹn ngào:
- Chúng ta đã khổ lắm rồi. Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Để cứu dân, để đem lại hạnh phúc cho dân. Vâng, đúng như lời Hồ Chủ tịch, nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa gì.
Dân bầu Ủy ban để gánh vác việc chung cho dân, dìu dắt dân lên con đường tươi sáng. Thế mà mình lại lợi dụng địa vị làm càn, rồi mưu lợi riêng, báo thù riêng, ức hiếp dân, thì hỏi mình có hơn gì bọn phát xít?
Cụ Hồ trách là phải. Mà thực ra, Cụ có trách đâu, lời Cụ ôn tồn lắm. Chỉ vì mình có lỗi nên tưởng Cụ có vẻ trách móc. Đọc thư Cụ, tôi không oán tí nào, tôi sung sướng nữa. Vẻ mặt chân thành và quả quyết, anh tự thú:
- Tôi thú thực rằng tôi đã phạm nhiều lỗi nói trong thư: Tôi cũng ra vẻ ta đây, tôi cũng có đôi chút xa xỉ, tôi cũng có cái bệnh kéo bè, kéo cánh.
Nhưng dù thư Cụ chỉ là những lời phê bình nhẹ nhàng những lời khuyên nhủ đúng hơn - chúng ta cũng phải coi như một mệnh lệnh. Cụ vì dân, vì nước. Cụ muốn cho dân sung sướng, cho nước phú cường mà nói, chúng ta cũng phải vì dân, vì nước mà sửa lỗi đi, để xứng đáng là một người công bộc của dân. Hơn nữa, những người phạm lỗi nặng cũng đừng nên ngần ngại, nên can đảm từ chức đi để cho người khác lên thay. Như thế mới thực là yêu nước.
Giọng trách móc, anh tiếp:
- Các anh là những nhà ngôn luận, sao các anh không gây ngay một phong trào tự chỉ trích từ ủy ban trên cho chí ủy ban dưới? Phải tự chỉ trích, luôn luôn tự chỉ trích, thì mới tránh được những lầm lỗi, những lạm dụng, những thói xấu. Nếu cần thì phải cải tổ ngay những ủy ban thối nát, bất lực đi.
Còn để cho dân khổ ngày nào là có tội.
Riêng tôi, tôi đã cho dán bức thư của Hồ Chủ tịch ở giữa đình, tôi triệu tập dân chúng ra đình, đọc to cho mọi người cùng nghe. Tôi tự phê bình trước mặt mọi người. Cần gì? Mình xấu thì tự nhận xấu, còn hơn để cả làng hỏng.
Tôi nghĩ rằng thế vẫn chưa đủ. Tôi phải từ chức nữa. Sau này mình cải quá đi, dân lại bầu lên, thì mình lại ra làm việc, phải không anh?
Cụ Hồ dạy rất phải. Đọc thư Cụ, tôi đã rơm rớm nước mắt vì ăn năn. Tôi không oán Cụ tý nào, và càng yêu kính Cụ thêm.
Câu chuyện đến đây, chúng tôi từ giã nhau vì có việc. Tôi xét ra không hơn gì là ghi ra đầy lời chân thành, chứa đầy những ý kiến mới mẻ của anh chủ tịch hăng hái ấy, một tiếng chuông trong trẻo hưởng ứng lời Hồ Chủ tịch.
Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.










