Có không ít người cho rằng muốn làm được gương phải hiểu hết mọi việc, phải có học vấn cao... Điều đó không hoàn toàn đúng. Bác Hồ, trong sách “Thuốc đắng dã tật” in lần thứ hai năm 1952, có viết: “Xưa nay, những bậc tài giỏi như cụ Khổng Tử, cụ Lênin cũng không biết hết mọi việc. Cụ Khổng Tử và cụ Lênin hơn mọi người không phải là vì hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi điều, mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn luôn học hỏi”.
Trong việc “luôn luôn học hỏi” của Khổng Tử và Lênin có việc học, làm gương; làm gương cho học trò, cho đồng chí, đồng đội, cho người đời sau học. Sách “Minh tâm bửu giám” là một cuốn sách “vỡ lòng”, khai tâm cho những ai học chữ Hán trong đó có cậu Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) được coi như “một tấm gương quý báu để soi sáng lòng người”. Sách đã được nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) dịch ra tiếng Việt. Sách dẫn ra nhiều lời răn dạy của các bậc hiền nho không phải chỉ cần cho lớp thiếu niên mà cho tất cả mọi người. Trong chương nói về “sửa mình”, Khổng Tử căn dặn “mình có quyền, có thế, có chức, có phận, mà mình giữ lễ, giữ phép thì ai mà lại dám chẳng kiêng, chẳng sợ”.
Làm gương là làm sao “trên quang minh chính đại thì dưới mới không loạn”, là làm sao mình thuyết phục được người bằng lời lẽ, chinh phục họ được bằng hành vi, cử chỉ, đạo đức của mình để cuối cùng thu phục được họ không phải bằng cường quyền, mà bằng nhân, nghĩa. Muốn làm được gương, qua thực tiễn xã hội đông tây có lẽ phải có 3 điều “dám”:
Một là “dám không để có”. Khiêm tốn, nhường nhịn, khoan dung, lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ… thì ban đầu “không”, nhưng sau tất “có”, cái “có” vững bền của một tấm gương sáng.
Hai là “dám thiếu để đủ”. Thấy người ta quá chuyên lo việc nhỏ là sự ăn uống thì mình không nên noi gương đó vì sẽ bỏ mất cái lớn đi. Thấy người ta có xe hơi, nhà lầu, đừng lo mình quá kém, biết lượng sức mình, làm ăn đứng đắn, xã hội phát triển từ chỗ “thiếu” sẽ dần tiến lên cái “đủ”.
Ba là “dám hy sinh để được”. Bố mẹ chỉ biết ăn, chơi cho đã đời, bỏ mặc con là người không biết hy sinh. Con cái chẳng quan tâm, săn sóc bố mẹ già “đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào” làm sao có thể làm gương được cho chính những đứa trẻ mình sinh ra. Ông cán bộ chỉ lo vét cho đầy túi, lập ra công trình nọ, đề tài kia để “ăn đậm”, “chia đẹp” cho mình, làm sao dân có thể noi gương! Nếu biết hy sinh, biết dừng lại mọi sự ham muốn, “biết mình vì mọi người” sẽ được mọi người vì mình”.
Một xã hội, một đất nước có văn hóa, có người hiền như đất nước ta, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng mà một tấm gương lớn chúng ta phấn đấu noi theo, là tấm gương của Bác Hồ.
Trích từ cuốn sách “Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà” NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản.










